Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở huyện Ba Bể đã chuyển đổi những diện tích đât trồng lúa năng suất thấp sang xây dựng mô hình kinh tế trang trại nuôi lợn, gà, vịt kết hợp đào ao thả cá đem lại thu nhập cao. Một trong những số đó là mô hình nuôi lợn kết hợp đào ao thả cá, trồng cây ăn quả của ông Đàm Ngọc Kiên – Thôn Pác Nghè, xã Khang Ninh là một điển hình như vậy.
Ảnh: Ông Kiên bên mô hình kinh tế của gia đình (đứng đầu bên phải)
Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp khép kín khá quy mô của gia đình ông Kiên, có ao, có chuồng trại, vườn cây ăn quả… Ông Kiên chia sẻ: Ban đầu khi mới bắt tay xây dựng mô hình ông gặp không ít khó khăn, do kinh nghiệm chưa có, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật… nên cũng đã không ít lần ông bị thua lỗ trong chăn nuôi, nhưng với quyết tâm vấp ngã từ đâu ông đứng lên từ đó. Ông bắt đầu tìm hiểu thêm kiến thức qua sách báo, bạn bè và các buổi tập huấn do thôn, xã tổ chức dần dần ông tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Những năm sau, nhờ đã có kinh nghiệm và chịu khó học tập khoa học kỹ thuật áp dụng vào chăn nuôi, phòng bệnh nên gia đình ông chăn nuôi hiệu quả hơn. Ông đã tận dụng nguồn nước xây được 3 ao thả cá, với hơn 1.400 m2 diện tích ao nuôi ông thả nhiều loại cá như: rô phi, chép, trôi, vược… đây là những giống cá tương đối dễ nuôi, ít dịch bệnh, mà thị trường tiêu thụ rộng. Với diện tích của 3 ao nuôi, hàng năm ông thu hoạch hơn 600kg cá, trừ chi phí lãi hơn 30 triệu đồng. Để tạo được thành công của mô hình, ông Kiên cho biết: “Để tạo được thành công của mô hình, thứ nhất phải chú ý đến khâu kỹ thuật, tạo nguồn nước sạch sẽ, con giống phải đảm bảo yêu cầu, phải biết chất lượng con giống như thế nào; thứ hai về cho cá ăn thời kỳ đầu phảỉ nuôi bằng thức ăn công nghiệp để đảm bảo dinh dưỡng, lượng thức ăn không được dư nhiều, trước khi chuẩn bị chuẩn bị xuất bán khoảng 2 tháng thì chuyển sang chăn bằng cám gạo, ngô và các loại thức ăn khác để đảm bảo chất lượng cá…”.
Để mở rộng mô hình, cuối năm 2015 ông đã đầu tư hơn 60 triệu đồng xây dựng thêm chuồng trại để tăng thêm đàn lợn. Hiện nay, gia đình ông nuôi 30 con lợn thương phẩm, 3 con lợn nái để chủ động về con giống, giảm bớt chi phí tiền mua giống lợn. Theo ông Kiên việc chăn nuôi không khó, thức ăn cho lợn chủ yếu là cám công nghiệp kết hợp với trộn các dinh dưỡng, khoáng chất cần thiết được phép sử dụng đảm bảo điều kiện tốt nhất cho lợn phát triển. Đặc biệt, trong quá trình nuôi lợn, gia đình ông luôn tuân thủ các qui trình kỹ thuật như: Chọn con giống tốt, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nên đàn lợn gia đình ông ít dịch bệnh, chóng lớn, cho thu nhập kinh tế cao, sau 5 tháng nuôi trung bình mỗi con lựn thương phẩm có trọng lượng từ 80-95kg/con, mỗi năm xuất bán 2 lứa, mỗi lứa 30 con, trừ chi phí thức ăn, giống, ông thu lãi hơn 60 triệu. Cùng với đó, gần 4.000 m2 ruộng, 02ha diện tích đất soi bãi và 3ha rừng tạp cho khai thác; vườn cây ăn quả gồm nhãn, vải thiều đã cho thu hoạch. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình ông đạt gần trăm triệu đồng. Để mô hình ngày càng phát triển, ông Kiên cho biết thêm: “Tới đây tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm chuồng trại để nuôi tăng lên mỗi lứa 70 – 80 con lợn; đầu tư cải tạo lại ao nuôi, sắp xếp lại hệ thống chuồng trại, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm…. )
Đánh giá về mô hình phát triển kinh tế của ông Kiên, Ông Dương Vă Thanh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Khang Ninh cho biết: “Mô hình kinh tế của ông Đàm Ngọc Kiên là một mô hình rất điển hình về phát triển kinh tế hộ gia đình, mặc dù tuổi đã cao nhưng ông rất mạnh dạn và tiên phong trong việc phát triển kinh tế. Mô hình của ông đáng được cho nhiều hội viên nông dân và bà con học tập và làm theo…”
Với lòng quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, gia đình ông Đàm Ngọc Kiên, thôn Pác Nghè xã Khang Ninh thực sự là một điển hình trong phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của gia đình ông đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, cần được quan tâm để nhân rộng để giúp người nông dân xoá đói giảm nghèo và từng bước vươn lên làm giàu./.