Triển vọng từ mô hình chăn nuôi lợn ở xã Khang Ninh
( Cập nhật lúc: 2/17/2017 )
Mô hình nuôi lợn khép kín của gia đình anh Nguyễn Văn Hòa – Thôn Bản Nản, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể là một trong những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước vươn lên thoát nghèo./.
Đến thăm mô hình chăn nuôi lợn khép kín khá quy mô của gia đình anh Nguyễn Văn Hòa, Thôn Bản Nản, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể. Anh Hòa cho biết: khi mới bắt tay xây dựng mô hình gia đình anh gặp không ít khó khăn, do thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật… Không nản chí trước những khó khăn như vậy, anh tìm hiểu kiến thức qua sách báo, bạn bè và các buổi tập huấn ở huyện, ở tỉnh, dần dần anh tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Để mở rộng mô hình, đầu năm 2016 anh vay 150 triệu đồng từ Ngân hàng NN&PTNT huyện cùng vốn tích cóp của gia đình đầu tư xây dựng thêm chuồng trại với tổng số tiền gần 300 triệu đồng. Hiện nay, gia đình anh nuôi hơn 50 con lợn thương phẩm, 4 con lợn nái để chủ động và đảm bảo nguồn giống. Theo anh Hòa việc chăn nuôi không khó, thức ăn cho lợn chủ yếu là cám công nghiệp kết hợp với trộn các dinh dưỡng, khoáng chất cần thiết được phép sử dụng đảm bảo điều kiện tốt nhất cho lợn phát triển. Đặc biệt, trong quá trình chăn nuôi, gia đình anh luôn tuân thủ các qui trình kỹ thuật như: Chọn con giống tốt, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nên đàn lợn gia đình anh ít dịch bệnh, chóng lớn. Sau 4 tháng nuôi trung bình mỗi con lợn thương phẩm có trọng lượng từ 75- 80kg/con, trừ chi phí thức ăn, giống anh thu lãi hơn 30 triệu đồng/ lứa lợn. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, anh đã lắp đặt hệ thống bể biogas lấy khí phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Ngoài ra anh còn mở thêm dịch vụ bán thức ăn chăn nuôi phục vụ việc chăn nuôi của gia đình và nhu cầu của bà con trong khu vực. Anh Hòa chia sẻ: “Trong quá trình chăn nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ gia đình, thứ nhất phải chọn con giống khỏe, không yếu ớt, không đau ốm; thứ hai nữa phải chọn loại cám có chất lượng và thứ ba nữa là cách chăm sóc phòng bệnh chưac bệnh. Ví dụ như con lợn con phải thắp điện khi thời tiết lạnh, lượng thức ăn phải phù hợp và vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải tốt thì con lợn mới chóng lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao”.
Đánh giá về mô hình kinh tế của anh Hòa, Ông Dương Văn Thanh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Khang Ninh cho biết thêm: “Mô hình chăn nuôi lợn của anh Nguyễn Văn Hòa – Thôn Bản Nản, xã Khang Ninh tuy mới được đầu tư xây dựng nhưng bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế khá. Tới đây hội Nông dân xã Khang Ninh sẽ tiếp tục tuyên truyền hội viên nông dân toàn xã xây dựng nhiều mô hình điển hình hơn nữa để góp phần vào công cuộc xóa đối giảm nghèo của địa phương…”
Ảnh: Anh Hòa bên đàn lợn của gia đình
Mô hình chăn nuôi lợn và dịch vụ cung cấp thức ăn chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Hòa, thôn Bản Nản xã Khang Ninh, huyện Ba Bể chưa phải là mô hình sản xuất lớn nhưng đây là một mô hình có nhiều triển vọng và khả năng phát triển bền vững. Tuy nhiên hiện nay đầu ra cho sản phẩm đang là vấn đề nan giải, vì vào thời điểm này nhu cầu tiêu thụ thịt lợn không còn tăng cao như dịp trước tết nguyên đán do vậy giá lợn hơi cũng giảm theo, trong khi đó giá nguyên liệu không giảm khiến người chăn nuôi bị thua lỗ. Không chỉ giá thịt lợn hơi xuống thấp, mà việc tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào thị trường tự do. Thiết nghĩ để giải quyết tình trạng trên cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác rà soát, quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương. Cần khuyến khích phát triển chăn nuôi theo các chuỗi liên kết trong đó có sự tham gia đầu tư kết nối thị trường của các doanh nghiệp và người dân để vấn đề đầu ra cho sản phẩm không còn là nỗi lo lắng của người nông dân./.